Bảo quản lạnh đóng vai trò rất quan trọng trong công việc kinh doanh của nhiều cá nhân/ doanh nghiệp hiện nay. Hiểu đúng và thực hiện tốt các quy trình bảo quản lạnh sẽ giúp doanh nghiệp giảm tỷ lệ hao hụt hàng hóa, giữ nguyên chất lượng sản phẩm và tạo ra thêm nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp của bạn.
Dưới đây, Điện Lạnh Biển Bạc sẽ chia sẻ cho quý bạn đọc và doanh nghiệp các thông tin hữu ích về quy trình này. Cùng theo dõi trong bài viết sau đây
Bảo quản lạnh: Giảm hao hụt, tránh lãng phí trong sản xuất - kinh doanh ở nước ta!
Việt Nam đến nay vẫn là nước nông nghiệp nhiệt đới với hơn 80% dân số sống bằng nghề nông, sản lượng hàng năm đạt 71,473 nghìn tỷ đồng và chiếm 13,85% tổng sản phẩm trong nước*.
*Số liệu của Tổng Cục Thống kê Việt Nam năm 2009.
Các sản phẩm nông sản/chăn nuôi/đánh bắt của nước ta như rau củ quả, thịt loại, thủy - hải sản cùng phụ phẩm khác luôn rất dồi dào và đều cần được bảo quản, chế biến.
Tuy nhiên, việc bảo quản các sản phẩm nông sản ở nước ta còn nhiều hạn chế và chưa đồng nhất dẫn đến hao hụt nghiêm trọng. Có thể kể sự thất thoát của một mặt hàng tiêu biểu nhất Việt Nam - Lúa gạo.
Bảo quản lạnh là gì?
Bảo quản lạnh là phương pháp làm giảm nhiệt độ của thực phẩm, làm chậm lại quá trình sinh lý, sinh hóa và trao đổi chất của sản phẩm, hạn chế sự tổn thất về khối lượng/chất lượng hàng hóa, kéo dài thời gian sử dụng để phục vụ cho mục đích thương mại, xuất khẩu & tiêu dùng. Để áp dụng phương pháp này trong thực tế, cần có các cách thức bảo quản cho từng loại sản phẩm cụ thể, được gọi là quy trình bảo quản lạnh.
Làm đúng quy trình bảo quản lạnh trong sản xuất - kinh doanh giúp giải quyết tốt vấn đề bảo quản/chế biến các sản phẩm nông nghiệp, gia tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc phân phối/xuất khẩu hàng hóa.
Vậy, có thể áp dụng quy trình bảo quản lạnh cho những loại hàng hóa nào?
Hướng dẫn áp dụng quy trình bảo quản lạnh cho từng loại hàng hóa trong kinh doanh
Có những quy trình bảo quản lạnh nào đang được sử dụng trong sản xuất - kinh doanh hiện nay? Cách thực hiện cùng những điều cần lưu ý khi ứng dụng quy trình này là gì? Sau đây, Điện Lạnh Biển Bạc sẽ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy trình bảo quản lạnh cho từng loại hàng hóa, cụ thể như sau:
Bảo quản lạnh nông sản
Sự hao hụt về trọng lượng và chất lượng của nông sản trong quá trình bảo quản là điều không thể tránh khỏi khi sản xuất và kinh doanh loại sản phẩm này. Tuy nhiên, bảo quản nông sản lạnh sẽ giúp doanh nghiệp phần nào giảm thiểu tình trạng này, ít nhất là hơn rất nhiều so với khi bảo quản khô!
Khi nông sản được bảo quản lạnh, chúng rơi vào trạng thái ngủ, các quá trình sinh lý, sinh hóa diễn ra rất chậm, quá trình trao đổi chất cũng dừng lại nên hạn chế sự tổn thất về khối lượng. Bảo quản lạnh nông sản sẽ giúp cá nhân/doanh nghiệp ngăn ngừa tác động của những yếu tố vi sinh vật hoặc sinh hóa lên nông sản.
Bảo quản thịt đông lạnh
Thịt là một trong những thực phẩm dễ hư hỏng nhất nếu không được bảo quản đúng cách. Dân gian từ xưa đã có rất nhiều cách để bảo quản thịt lâu hơn như ướp muối, hong gió,… nhưng những cách này làm thịt không còn giữ được độ tươi ngon như trước. Bảo quản thịt bằng phương pháp đông lạnh ngày nay được rất nhiều người quan tâm và sử dụng. Với cách cho đông đá, thịt được đông lạnh sẽ giữ được độ tươi lâu hơn mà không bị biến đổi về chất.
Bảo quản lạnh thủy, hải sản
Thủy, hải sản cũng là thực phẩm dễ hỏng nhưng có thể thông qua quá trình ướp đá hoặc muối để giữ tươi. Thủy, hải sản cũng có thể bị biến chất theo thời gian và giảm chất lượng nếu không được bảo quản kỹ, đặc biệt dễ ương, khô khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài.
Quy trình bảo quản lạnh rau củ quả
Rau củ quả hoàn toàn có thể bảo quản khô ở nhiệt độ bình thường nhưng lại rất dễ bị tác động bởi các yếu tố vật lý và sinh học dẫn tới nhanh héo, dập nát, chín nhanh, thối củ từ bên trong,… Bảo quản lạnh chính là biện pháp giúp rau củ quả tươi ngon, giữ lại được toàn bộ chất dinh dưỡng và lưu trữ được lâu hơn.
Những câu hỏi thường gặp của Doanh nghiệp trong Quy trình bảo quản lạnh
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành Thực phẩm đông lạnh, Kho lạnh Biển Bạc sẽ tổng hợp ra những câu hỏi được nhiều Doanh nghiệp thắc mắc nhất hiện nay.
Thực phẩm đông lạnh có an toàn và lành mạnh không?
Có nhiều người cho rằng thực phẩm đông lạnh không an toàn bởi quan điểm: Phương pháp cấp đông có thể khiến thực phẩm mất chất dinh dưỡng, biến chất và trở nên độc hại. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng!
Đông lạnh làm chậm sự phân hủy của thực phẩm, khiến vi khuẩn, nấm mốc, men đều không phát triển được mặc dù sản phẩm vẫn đáp ứng đủ về mặt chất lượng và dinh dưỡng. Vậy nên, thực phẩm sẽ luôn an toàn và lành mạnh nếu được doanh nghiệp bảo quản trong kho lạnh (ở mức nhiệt độ thích hợp).
Thực phẩm đông lạnh thường có chất lượng thấp?
Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh được rằng: Quy trình bảo quản lạnh không phá hủy đi chất dinh dưỡng cũng như làm giảm chất lượng có trong thực phẩm. Điển hình là các thực phẩm từ thịt và gia cầm - giá trị dinh dưỡng thay đổi rất ít sau khi cấp đông sản phẩm.
Tuy nhiên, một số người nhận thấy màu tủy xương/thịt gần xương của gia cầm trở nên tối màu hơn khi được bảo quản lạnh và cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm chất lượng ở sản phẩm này. Nhưng sự thật không phải như vậy! Nguyên nhân làm thay đổi màu xương là do sắc tố từ tủy thấm qua xương xốp, lây dính vào thớ thịt xung quanh trong quá trình cấp đông và rã đông thịt gia cầm.
Ngoài ra, độ tươi và chất lượng thực phẩm tại thời điểm cấp đông sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sản phẩm sau khi rã đông. Sản phẩm càng tươi ngon và chất lượng cao thì khi rã đông vẫn giữ lại hàm lượng dinh dưỡng, màu sắc, hương vị và kết cấu.
Thịt đông lạnh có chứa độc tố gây ung thư nếu tồn trữ quá lâu?
Chưa có dẫn chứng khoa học cụ thể nào cho thấy sử dụng thực phẩm đông lạnh sẽ làm người dùng bị ung thư, ít nhất là cho tới ngày hôm nay.
Thịt đông lạnh tồn trữ lâu thì đúng là có sự biến đổi về phẩm chất nhưng không có độc tố có hại cho sức khỏe người dùng. Với thịt đông lạnh, không có sự sản sinh độc tố mà chỉ là sự biến tính protein, sự oxi hóa và ôi dầu trong quá trình cấp đông. Cụ thể, ở nhiệt độ -12 hay -14 độ C, Myosin - một protein có trong cơ thịt sẽ bị kết tủa và trôi đi khi rã đông thịt kéo theo các dưỡng chất khác ra khỏi thực phẩm. Hậu quả là độ ngọt thịt sẽ kém, chất thịt sẽ không được dai ngon như khi thịt tươi nữa.